Việc kinh doanh các dịch vụ ăn uống yêu cầu chú tâm nhiều đến các thiết bị dụng cụ phục vụ ăn uống trong nhà hàng. Vậy các thiết bị dụng cụ phục vụ ăn uống trong nhà hàng phổ biến là gì, cùng MISA CUKCUK tìm hiểu ngay trong bài viết dưới đây nhé!
1. Các thiết bị dụng cụ phục vụ ăn uống trong nhà hàng
Các thiết bị dụng cụ phục vụ ăn uống trong nhà hàng phổ biến chia làm hai nhóm là nhóm dụng cụ sử dụng trong bữa ăn và các dụng cụ khác, gồm có: bát, đĩa ăn; đũa, thìa, dao, nĩa; ly, cốc dùng nước, dụng cụ gắp và và các dụng cụ như khăn ăn, lọ gia vị,…
1.1. Các dụng cụ sử dụng trong bữa ăn
a. Bát, đĩa ăn
Tùy vào từng phân khúc nhà hàng mà cách lựa chọn bát, đĩa ăn cũng khác nhau. Ba phân khúc nhà hàng chính là nhà hàng cao cấp, nhà hàng tầm trung và nhà hàng bình dân.
- Đối với phân khúc nhà hàng cao cấp, việc lựa chọn các thiết bị dụng cụ phục vụ ăn uống cần tuân theo nhiều quy định nghiêm ngặt. Bát, đĩa ăn phải có chất lượng tốt, sản xuất bởi các nguyên liệu cao cấp, thiết kế sang trọng, giá thành cao và phải phù hợp với bài trí của nhà hàng.
- Ở phân khúc nhà hàng tầm trung, việc lựa chọn bát, đĩa ăn vẫn tuân theo nguyên tắc nhưng không khắt khe như nhà hàng cao cấp. Nguyên liệu không cần phải cao cấp và giá thành cũng nằm ở mức vừa phải, thiết kế không cần phải đi theo chủ đề trang trí của nhà hàng.
- Bát, đĩa ăn của nhà hàng bình dân hầu hết không chú trọng đến nguyên liệu sản xuất hay thiết kế, có giá thành rẻ, có cả những loại bát, đĩa ăn dùng một lần.
b. Đũa, thìa, dao, nĩa
Các thiết bị dụng cụ phục vụ ăn uống trong nhà hàng gồm đũa, thìa, dao, nĩa cũng được phân chia giống như bát, đĩa ăn. Độ phức tạp trong lựa chọn các loại dụng cụ này đi từ thứ tự vô cùng phức tạp với nhà hàng cao cấp, trung bình với nhà hàng tầm trung tới đơn giản với nhà hàng bình dân.
Lấy ví dụ, đa số các nhà hàng cao cấp sẽ sử dụng bộ Cutlery bao gồm nhiều loại dao, nĩa, thìa phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau. Trong đó, nhóm dao sẽ có dao món chính, dao món cá, dao ăn thịt, dao phết bơ…; nhóm thìa có thìa ăn món chính, thìa ăn tráng miệng, thìa ăn súp,… và nhóm nĩa có nĩa chính, nĩa cá, nĩa tráng miệng… Ngược lại với nhà hàng cao cấp, nhà hàng bình dân chỉ phục vụ các dụng cụ ăn uống cần thiết nhất như một khay gồm đũa, thìa, dao, nĩa cùng loại.
c. Ly, cốc dùng nước
Mỗi phân khúc nhà hàng sẽ có cách lựa chọn ly, cốc dùng nước khác nhau, chất liệu sản phẩm cũng khác nhau với đa dạng chất liệu như nhựa, sứ, thủy tinh,… Đối với nhiều nhà hàng, sở hữu đa dạng các loại ly phục vụ thức uống là cách thể hiện đẳng cấp.
Ba thiết kế ly thủy tinh phổ biến trong nhà hàng là ly không chân, ly chân thấp và ly chân cao. Một vài loại ly được dùng phổ biến hiện nay có thể kể đến như:
- Ly Red Wine là loại ly phổ biến hàng đầu, chuyên dùng cho rượu vang đỏ nhờ khả năng lưu hương. Loại ly này có thiết kế thủy tinh chân cao, bầu rượu hình hoa tulip sang trọng.
- Ly Rocks là dòng ly chuyên dùng khi uống các loại rượu mạnh, thường đi kèm đá, có thiết kế vừa tay, hoa văn phản chiếu lẫn nhau, thành ly dày tạo âm thanh khi lắc rượu có đá.
- Ly Martini, hay còn gọi là ly cocktail, được dùng phổ biến trong nhà hàng, khách sạn. Điểm nổi bật của loại ly này là thiết kế phễu tam giác, thường được trang trí thêm các phụ kiện nhỏ trên thành ly. Các loại rượu được phục vụ trong ly Martini sẽ có màu sắc bắt mắt thu hút người sử dụng.
d. Dụng cụ gắp
Dụng cụ gắp là thiết bị dụng cụ phục vụ ăn uống trong nhà hàng được dùng chủ yếu tại các nhà hàng phục vụ buffet. Loại dụng cụ này thường gồm có kẹp gắp thức ăn chín, kẹp gắp thức ăn sống, kẹp gắp rau, kẹp gắp hoa quả, kẹo gắp bánh ngọt, dụng cụ múc súp… Khi chuẩn bị dụng cụ phục vụ tiệc buffet, mỗi món ăn cần có một kẹp riêng.
Các nhà hàng phải sử dụng đa dạng dụng cụ gắp để tránh đồ ăn bị lẫn hương vị khi dùng chung, giữ vệ sinh giữa đồ sống và chín… Các dụng cụ gắp thức ăn nên được làm từ chất liệu có độ bền cao như inox cao cấp, gỗ chịu nhiệt… để đảm bảo vệ sinh cũng như thẩm mỹ.
1.2. Các thiết bị dụng cụ phục vụ ăn uống trong nhà hàng khác (khăn ăn, lọ gia vị…)
Ngoài các thiết bị dụng cụ phục vụ ăn uống trong nhà hàng bắt buộc, trên bàn ăn thường có thêm các vật dụng khác như khăn ăn (khăn khô hoặc ướt), lọ gia vị, lọ tăm, thực đơn, bình nước,… Các loại dụng cụ này tưởng chừng như rất đơn giản nhưng lại thể hiện được sự chu đáo trong khâu phục vụ của bất cứ nhà hàng nào.
2. Tiêu chuẩn lựa chọn dụng cụ phục vụ ăn uống theo mô hình
Ở Việt Nam hiện nay có các mô hình kinh doanh nhà hàng phổ biến là nhà hàng bình dân, nhà hàng gia đình, nhà hàng cao cấp, nhà hàng tự chọn hay nhà hàng đồ ăn nhanh,… Mỗi mô hình kinh doanh sẽ có các tiêu chuẩn lựa chọn dụng cụ phục vụ ăn uống khác nhau.
Các thiết bị dụng cụ phục vụ ăn uống trong nhà hàng thường được lựa chọn dựa theo cách phục vụ và thực đơn của nhà hàng. Ví dụ, nhà hàng phục vụ món tây lựa chọn sử dụng đĩa và các dụng cụ ăn kim loại trong khi nhà hàng phục vụ món Á có nhiều lựa chọn đa dạng hơn, chẳng hạn như đồ dùng kim loại, sứ, nhựa,…
Bên cạnh đó, số lượng thiết bị dụng cụ phục vụ ăn uống trên bàn ăn không nên quá nhiều, tránh chiếm dụng nhiều diện tích sử dụng bàn. Các nhà hàng bình dân thường không chú trọng cách sắp xếp dụng cụ trên bàn nhưng các nhà hàng cao cấp hơn thì khác, các vật dụng ăn uống cần được kết hợp với nhau một cách hợp lý. Vậy tiêu chuẩn bày biện dụng cụ phục vụ ăn uống như thế nào?
3. Tiêu chuẩn bày biện dụng cụ phục vụ ăn uống
3.1. Tiêu chuẩn bày biện bàn ăn Âu:
- Đặt thảm định vị cách mép bàn 2cm
- Đĩa định vị nằm ngay trên thảm định vị, tiếp đến đĩa súp hoặc đĩa salad đặt trên đĩa định vị
- Bộ dao, nĩa, muỗng ăn được đặt song song ở hai bên của đĩa định bị, cách đĩa định vị và mép bàn 2cm
- Ly dùng nước được đặt ở phía trên lệch về bên phải so với đĩa định vị, theo thứ tự từ trong ra ngoài là ly nước lọc, ly vang và ly champagne.
- Khăn ăn được xếp gọn, tạo hình và đặt trên đĩa định vị (trước khi dùng bữa)
- Các dụng cụ khác như lọ hoa trang trí, nến, gia vị được đặt ở chính giữa bàn hoặc chếch về hướng khác tùy theo yêu cầu.
Lưu ý khi sắp xếp bàn ăn kiểu Âu:
- Không gian bàn ăn đủ rộng để sắp xếp dụng cụ ăn.
- Bộ dao, nĩa, muỗng phải sắp xếp theo thứ tự phục vụ đồ ăn từ trong ra ngoài.
- Dọn dẹp vật dụng khách đã sử dụng xong ngay trước khi phục vụ món mới.
- Bàn ăn không được phép có bất kỳ vật dụng nào bám bẩn.
3.2. Tiêu chuẩn bày biện bàn ăn Á:
- Đĩa định vị đặt cách mép bàn 2cm, chính giữa vị trí ngồi của khách.
- Đũa ăn và gác đũa đặt ngay trên trên hoặc bên phải đĩa định vị, đuôi đũa cách mép bàn 2cm, ⅓ chiều dài thân đũa tính từ đầu đặt trên gác đũa.
- Thìa, muỗng ăn đặt trên đĩa gác cách đũa 2cm về bên phải.
- Chén nước chấm đặt trên phần kính xoay của bàn ăn hoặc mỗi người 1 chén thì đặt ngay trên đĩa định vị, cách 2 cm.
- Ly, cốc dùng nước đặt phía trên, ngay giữa gác đũa và muỗng.
- Khăn ăn xếp gọn, tạo hình, đặt trong bát ăn hoặc trong cốc.
- Các dụng cụ khác như lọ hoa, thực đơn, lọ gia vị, khay đựng đá đặt ngay ngắn giữa bàn.
Lưu ý khi sắp xếp bàn ăn kiểu Á:
- Bộ dụng cụ phục vụ ăn uống trong nhà hàng Á thường đi theo một thiết kế chung, thể hiện trên hoa văn của dụng cụ ăn. Tránh sử dụng các loại hoa văn khác nhau để không bị rối mắt, mất thẩm mỹ.
- Tất cả các dụng cụ ăn uống phải sạch sẽ, không bám bẩn.
>> Bày trí trong nhà hàng – Phải chăng “ít, nhỏ” là “sang và duyên”?
4. Lưu ý khi bảo quản các thiết bị dụng cụ phục vụ ăn uống trong nhà hàng
- Tất cả các thiết bị dụng cụ phục vụ ăn uống trong nhà hàng đều cần được vệ sinh sạch sẽ trước và sau khi sử dụng và được để ở nơi khô ráo, tránh ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp, sử dụng vô trùng đối với những nhà hàng tầm trung – cao cấp.
- Các dụng cụ có chất liệu dễ vỡ cần được di chuyển cẩn thận và đặt ở các vị trí an toàn.
- Không nên xếp chồng bát, đĩa, ly, tách có kích thước giống nhau mà nên xếp xen kẽ để tránh trầy, xước, sứt, mẻ,…
- Không sử dụng bất cứ dụng cụ nào có dấu hiệu rỉ sắt, mốc…
Trên đây là những thông tin tham khảo về các thiết bị dụng cụ phục vụ ăn uống trong nhà hàng mà MISA CUKCUK muốn giới thiệu với các anh chị đã và đang chuẩn bị kinh doanh quán ăn, nhà hàng. MISA CUKCUK – phần mềm quản lý nhà hàng/quán cafe sẽ luôn đồng hành cùng anh chị.