Chiến lược marketing cho quán cafe bạn cần biết

kinh doanh quán cafe

Lần đầu mở quán cafe, ai cũng nghĩ rằng việc Marketing để thu hút khách hàng khi mình có một không gian đủ chill, đủ tiện nghi là rất dễ dàng. Nhưng phải đến khi triển khai các chương trình ưu đãi, giảm giá, thu hút khách hàng mới rồi mới nhận ra rằng Marketing cho quán cafe kì thực vô cùng khó.

Nhìn rộng hơn, Marketing trong F&B là một bài toán mà những người làm chủ luôn đau đầu trả lời những câu hỏi: Nên chi tiền cho Marketing hay không? Chi tiền cho Marketing như thế nào? Và làm sao để đo đếm được hiệu quả Marketing F&B? Những chuỗi cửa hàng cà phế lớn tại Việt Nam cũng không nằm ngoài ngoại lệ này. Blog CukCuk sẽ giải thích về điểm khác biệt của sản phẩm cà phê, của phương pháp Marketing trong ngành F&B đồng thời cung cấp cho các bạn các cách thức để triển khai Marketing cho quán cafe.

marketing quán cafe

1. Marketing là gì?

Định nghĩa Marketing

Marketing được đinh nghĩa là quá trình xây dựng và cung cấp những giá trị thiết thực đến với khách hàng thông qua sản phẩm/dịch vụ của doanh nghiệp, thiết lập mối quan hệ chặt chẽ với khách hàng nhằm thu về lợi ích cho doanh nghiệp.

 

định nghĩa Marketing

Nghe thì có vẻ khó hiểu, để hình dung về Marketing dễ dàng hơn, chúng ta hãy đi ngược từ khía cạnh khách hàng trước và sau đó giải thích lại xem Marketing giải quyết vấn đề cho cả khách hàng và doanh nghiệp như thế nào.

Nhu cầu, mong muốn và yêu cầu của thị trường

Một sản phẩm khi xuất hiện trên thị trường thường là để giải quyết 02 trạng thái của người tiêu dùng:
  • Nhu cầu: là trạng thái thiếu hụt một sự thoả mãn cơ bản nào đó. Ví dụ: đói, khát, an toàn.
  • Mong muốn: là sự ao ước những thứ cụ thể để thoả mãn những nhu cầu cao cấp hơn. Ví dụ: ăn ngon, mặc đẹp, cuộc sống sang trọng…
Từ 02 trạng thái trên, người tiêu dùng sẽ phát sinh ra “Yêu cầu” và trở thành một khách hàng tiềm năng.
  • Yêu cầu: chính là khái niệm “Cầu” trong thuật ngữ “Cung – Cầu”, là trạng thái sẵn sàng mua sản phẩm xuất hiện từ mong muốn hoặc nhu cầu.

Phân biệt định nghĩa nhu cầu, mong muốn và yêu cầu của khách hàng

Lúc này chúng ta bắt đầu nhận ra rằng, kể cả khi có nhu cầu hay mong muốn thì cũng chưa chắc một người đã phát sinh ra yêu cầu mua hàng.
Ví dụ: Một người ốm yếu, nhưng lại nghèo khó, có nhu cầu đi bệnh viện nhưng lại không có đủ tiền để phát sinh yêu cầu. Hay là một người có mong muốn ăn hải sản tại một làng chài ven biển mà anh ta đã từng ghé qua nhưng hiện tại ở quá xa. Cả hai trường hợp này, dù đã có nhu cầu và mong muốn, nhưng lại không phát sinh được yêu cầu mua hàng do từng hoàn cảnh nhất định.

Giá trị của Marketing trong việc kết nối doanh nghiệp và khách hàng

  • Phát hiện nhu cầu thị trường: Marketing lắng nghe nhu cầu của thị trường và tham gia vào quá trình nghiên cứu & phát triển sản phẩm, tìm ra giải pháp.
  • Kích thích nhu cầu & mong muốn: Khi đã có giải pháp là một sản phẩm/dịch vụ cụ thể, Marketing giúp kích thích một trong hai trạng thái nhu cầu & mong muốn của khách hàng.
  • Thúc đẩy quá trình phát sinh yêu cầu: Khi khách hàng đã phát sinh nhu cầu hoặc mong muốn, Marketing tiếp tục đẩy nhanh quá trình chuyển hoá nhu cầu & mong muốn thành yêu cầu mua hàng.
  • Xây dựng, duy trì và phát triển mối quan hệ với khách hàng: Sau khi khách hàng đã mua hàng, nhiệm vụ của Marketing là thúc đẩy mối quan hệ giữa doanh nghiệp và khách hàng trở nên khăng khít, gắn bó hơn. Giúp doanh nghiệp luôn là sự lựa chọn số 01 trong mắt khách hàng khi phát sinh yêu cầu mua hàng.

2. Sản phẩm F&B có điểm gì khác biệt

Sản phẩm F&B có thể nhanh tạo ra cả nhu cầu & mong muốn của khách hàng.
  • Những mô hình quán cơm trưa, phở sáng, tạo ra sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu ăn uống cơ bản của con người.
  • Trong khi những nhà hàng hạng sang, món ăn đắt tiền hoàn toàn có thể tạo ra mong muốn cho những người đọc được thông tin về chúng.
Nhưng ở bước chuyển hoá từ nhu cầu, mong muốn thành yêu cầu thì sao?
  • Sản phẩm F&B không phải là sản phẩm quá thiết yếu để nảy sinh yêu cầu mua hàng ngay lập tức
  • Ngay cả khi đã phát sinh yêu cầu mua hàng, khách hàng vẫn có rất nhiều sự lựa chọn trước khi quyết định sẽ mua sản phẩm của nhà hàng nào.

sản phẩm F&B dễ phát sinh nhu cầu và mong muốn từ phía khách hàng

Như vậy chúng ta có thể tổng kết là gì?
F&B là dòng sản phẩm mà khách hàng dễ nảy sinh nhu cầu và mong muốn. Marketing F&B có thể làm rất tốt ở bước tạo dựng nhu cầu và mong muốn cho khách hàng (nhận diện về sản phẩm). Nhưng lại khó chuyển hoá nhu cầu và mong muốn này thành yêu cầu mua hàng ngay lập tức (tham khảo & mua hàng). Ngoài ra, khách hàng hiện tại có quá nhiều sự lựa chọn do sự phát triển của các ứng dụng giao hàng. Vì thế dù yêu thích sản phẩm của thương hiệu A nhưng khách hàng sẵn sàng lựa chọn sản phẩm của thương hiệu B nếu cảm thấy thương hiêụ B mang lại nhiều giá trị hơn (tiết kiệm hơn, nhanh chóng hơn v.v..)

3. Marketing F&B có điểm gì khác biệt

Do đặc thù của ngành F&B là nhóm sản phẩm không phát sinh yêu cầu cấp thiết nên sẽ luôn có độ trễ trên hành trình mua hàng của khách hàng.
Khách hàng nhìn thấy hình ảnh đẹp, món ăn ngon trên Facebook hay Instagram, họ tự nhủ: “Một ngày nào đó mình sẽ ghé qua thử”. Nhưng khái niệm “một ngày nào đó” hoàn toàn phụ thuộc vào thời điểm phát sinh yêu cầu của khách hàng, có thể là hôm nay, ngày mai, tuần sau, tháng sau, thậm chí là năm sau…

 

Bên cạnh đó, sản phẩm F&B thường không có giá trị đơn hàng lớn, doanh số không quá cao. Vì thế khi áp dụng các chương trình ưu đãi, khó có thể cung cấp các chương trình chiết khấu lớn để thúc đẩy nhanh quá trình mua hàng của khách hàng.

không dễ để áp dụng các chương trình Marketing cho ngành F&B, đặc biệt là với các quán cà phê nhỏ

Hãy thử so sánh với việc các bạn đi siêu thị, dù rằng kem đánh răng nhà bạn vẫn còn nhưng các bạn nhìn thấy chương trình giảm giá kem đánh răng, các bạn sẽ mua luôn để sử dụng về sau. Hoặc khi phát sinh nhu cầu mua điện thoại mới và nhìn thấy quảng cáo có chương trình giảm giá trên Facebook, thời gian dẫn đến quyết định mua hàng thường diễn ra nhanh hơn. Chương trình ưu đãi có thể không lớn nhưng sản phẩm mang tính chất cấp thiết thì người tiêu dùng vẫn phát sinh “yêu cầu” mua hàng ngay lập tức.

 

Thông thường khi đánh giá hiệu quả của một chương trình Marketing, chúng ta cần lấy những mục tiêu đặt ra làm KPI như: số người sử dụng ưu đãi, doanh số thu về từ Marketing. Nhưng do vòng đời mua hàng của khách hàng F&B biến thiên khó xác định nên hiệu quả Marketing thu về trong ngành F&B thường rất khó đo đếm.
Ví dụ: các bạn chạy một chương trình ưu đãi diễn ra trong 01 tháng, nhưng tháng sau khách hàng mới đến cửa hàng của bạn. Rõ ràng là thông qua chương trình Marketing bạn đã thu hút những khách hàng mới, nhưng lại không có số liệu tính cho Marketing để bạn đánh giá đúng hiệu quả mà chương trình mang lại

 

Các quán cà phê thường không có đủ ngân sách để xây dựng phòng ban Marketing chuyên biệt

Và cuối cùng, phần lớn các mô hình F&B trên thị trường thường có quy mô kinh doanh nhỏ. Vì thế sẽ rất khó để bạn xây dựng một phòng ban Marketing chuyên nghiệp. Giúp các bạn phân tích, thực hiện và đánh giá hiệu quả hoạt động của Markering. Từ đó các bạn lại càng mơ hồ về hiệu quả thực sự của những chương trình Marketing được đề xuất.

Ở các quy mô chuỗi F&B thành công, có hẳn một bộ phân Marketing giúp chủ doanh nghiệp đo đạc và xây dựng hiệu quả Marketing một cách chi tiết. Vì thế khâu đánh giá hiệu quả do Marketing mang lại tốt hơn rất nhiều so với quy mô cửa hàng nhỏ. Nhưng điều này cũng không thể thay đổi bản chất của Marketing F&B. Đây là một ngành nghề mà việc triển khai Marketing vô cùng khó.

Marketing cho quán cà phê có điểm gì khác biệt?

Quay lại câu chuyện về việc Marketing cho quán cà phê, lúc này bạn đã phát hiện ra điểm tương đồng trong hoạt động triển khai Marketing cụ thể của mình.

Quán cà phê của bạn chạy một chiến dịch quảng cáo với kì vọng thu về khách hàng mới, nhưng ngoài rất nhiều tương tác trên Facebook, doanh số của bạn không tăng trưởng, bạn cũng không đo đếm được lượng khách hàng mới có đến từ chương trình quảng cáo hay không. Lúc này bạn sẽ tự đặt câu hỏi: “Liệu chương trình Marketing của mình có hiệu quả hay không?”

Vấn đề của bạn thực ra vô cùng đơn giản. Chẳng có gì sai với thông điệp quảng cáo của bạn. Sai lầm duy nhất của bạn là không có một hệ thống đánh giá hiệu quả hoạt động Marketing của mình. Và sản phẩm F&B của bạn là nhóm sản phẩm mà dù cho khách hàng đã xuất hiện nhu cầu & mong muốn, nhưng sẽ luôn có độ trễ nhất định để họ chuyển hoá những trạng thái đó thành yêu cầu mua hàng.

4. Cách thức xây dựng chiến lược Marketing cho quán cà phê

Từ những phân tích trên, chúng ta đã thống nhất với nhau được rằng sản phẩm quán cà phê có những đặc thù riêng và không dễ để triển khai Marketing cho quán cà phê. Để có thể triển khai Marketing cho quán cà phê tốt bạn phải áp dụng Marketing vào ngay trong quá trình xây dựng sản phẩm. Đối với quán cafe của bạn, sản phẩm chính là không gian, chất lượng đồ uống và chất lượng dịch vụ.

Trong phần này, chúng ta sẽ đi sâu vào các nhiệm vụ của Marketing để giúp bạn triển khai một chiến lược Marketing từ điểm khởi đầu thật tốt.

4.1 Phát hiện nhu cầu thị trường

Đây chính là bước nghiên cứu thị trường, ở bước này, bạn phải đặt câu hỏi: Tại sao quán cà phê của mình mở ở đây sẽ đông khách? Có những đặc điểm gì trong nhu cầu của người dân trong khu vực mà chưa có một quán cà phê nào có khả năng đáp ứng.

Từ những câu hỏi đó, bạn cần thực hiện đánh giá nhu cầu khách hàng tại các quán cà phê của đối thủ, chế biến các loại đồ uống thế mạnh và kêu gọi khách hàng tiềm năng dùng thử, cho nhận xét. Thêm nữa, bạn cũng cần phải chú ý đến chính là không gian quán cà phê của đối thủ, các ý tưởng thiết kế quán cà phê mới mà các mô hình quán cà phê trong khu vực chưa đáp ứng được. Đây sẽ là lợi thế cạnh tranh cho quán cà phê của bạn khi đi vào hoạt động.

khảo sát các quán cà phê trong khu vực là một phần trong chiến lược Marketing tổng thể

Một ưu điểm cho các bạn trong việc nghiên cứu thị trường là các quán cà phê có tệp khách hàng không quá lớn, chủ yếu xoay quanh bán kính 3km trong khu vực (rộng hơn với các mô hình quán cà phê tại thị trường tỉnh). Vì thế số lượng quán cà phê bạn cần khảo sát là không nhiều.

Ngoài ra, ngay cả trong bán kính 3km, không phải tất cả cư dân sinh sống trong phạm vi này đều là khách hàng của bạn. Vì thế, hãy lựa chọn ra từ một đến hai nhóm khách hàng chủ đạo: học sinh, sinh viên (nhóm trẻ tuổi), hoặc nhân viên văn phòng (nhóm trung tuổi) để khảo sát về sản phẩm. Việc thu gọn nhóm đối tượng khách hàng thực hiện khảo sát này sẽ giúp các bạn có được những đánh giá sát với khách hàng tiềm năng trong tương lai của mình hơn.

4.2 Sản xuất sản phẩm dịch vụ đáp ứng nhu cầu thị trường

Từ những khảo sát mà bạn thu thập được, bạn cần sử dụng những thông tin này để triển khai quán cà phê của mình, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Về cơ bản khách hàng đến mua sản phẩm của bạn không chỉ vì mỗi loại đồ uống đó mà còn bởi không gian quán cà phê của bạn và chất lượng dịch vụ mà bạn cung cấp nữa. Đây chính là 03 yếu tố tạo nên sản phẩm mà bạn cung cấp cho khách hàng.

4.2.1 Không gian quán cà phê

Song song bên cạnh yếu tố thẩm mĩ, bạn đừng quên rằng đôi khi cái đẹp không đi cùng với sự tiện lợi. Quán cà phê thoả mãn khách hàng cần phải có không gian đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ và đi kèm với những tiện nghi xứng đáng để khách hàng chi trả tiền cho sản phẩm.

không gian quán cà phê là một phần trong sản phẩm của một quán cà phê

Về khía cạnh thẩm mĩ, hãy tham khảo không gian quán cà phê của nước ngoài ở các trang chuyên về thiết kế như pinterest.com để có thêm ý tưởng.

Đối với khía cạnh tiện lợi, nếu bạn là người chưa từng mở quán cà phê, đây sẽ là một yếu tố rất khó, cần sự tư vấn của các đơn vị thiết kế – thi công trong ngành. Dưới đây là một số lời khuyên để có thể đảm bảo yếu tố tiện lợi cho khách hàng:

  • Không gian nhà vệ sinh, sạch sẽ có mùi thơm
  • Không gian ngoài trời thường phục vụ khách hàng hút thuốc cần thoáng đãng, tránh ám mùi
  • Khách hàng sẽ cảm thấy thoải mái nhất khi có không gian riêng từ 1,5 m2 đến 2 m
  • Ghế salon thường tốn diện tích, ít khách ngồi và dễ bị bẩn, khó giặt, tạo ấn tượng không tốt
  • Khách hàng đến ngồi làm việc ưa thích bàn hình vuông có nhiều diện tích để laptop và dễ ghép bàn.
  • Khách hàng đến ngồi chơi ưa thích bàn tròn, lên hình sẽ đẹp hơn.
  • Cây xanh trong nhà là vô cùng quan trọng giúp không gian của bạn bắt mắt và yên bình hơn
  • Thiết kế bằng kính thường tạo âm vang, cần xử lý âm thanh khu vực trong nhà tốt để tránh tiếng ồn nhiễu.

4.2.2 Chất lượng và hình thức đồ uống tại quán cà phê

Ai cũng nghĩ rằng đồ uống phải luôn luôn ngon miêng thì mới thu hút được khách hàng. Nhưng trong ngành F&B không có một định nghĩa nào cho từ “Ngon” cả. Sản phẩm ngon với người này, chưa chắc đã ngon với người kia.

Một ví dụ về tiêu chuẩn ngon: Bạn ăn cơm nhà do mẹ bạn nấu, bạn luôn thấy ngon miệng. Nhưng khi bạn đến nhà người khác ăn cơm, bạn chưa chắc đã thấy ngon miệng. “Ngon” thực chất chỉ là một thói quen ăn uống của bạn liên tục trong một thời gian dài mà thôi. Đối với các mô hình F&B, tiêu chuẩn “ngon” được định nghĩa là khi đại đa số khách hàng cảm thấy vừa miệng. Món ăn sushi là món ăn truyền thống của Nhật Bản nhưng lại vừa miệng trên khắp thế giới. Vì thế sushi được nhân rộng trở thành món ăn phục vụ tại nhiều cửa hàng, tương tự như pizza.
chất lượng đồ uống và hình thức trang trí cũng là một phần trong sản phẩm của quán cà phê
Vì thế, tiêu chuẩn duy nhất mà bạn nên áp dụng với chất lượng đồ uống của bạn chính là vừa miệng, đủ vị và phù hợp với đại đa số khách hàng mà bạn phục vụ. Để làm được điều đó, bạn cần xây dựng một quy trình pha chế với định lượng nguyên vật liệu chính xác để khách hàng thưởng thức 100 lần hương vị vẫn như lần đầu.
Hình thức trang trí đồ uống không phải là tiêu chí quan trọng nhất, nhưng nếu bạn đáp ứng được, quán cà phê của bạn sẽ có cơ hội được biết đến rộng rãi hơn thông qua chính khách hàng của bạn.

4.2.3 Chất lượng phục vụ tại quán cà phê

Khi bạn đã làm tốt về không gian và sản phẩm, tiêu chí cuối cùng mà bạn cần quan tâm chính là chất lượng dịch vụ. Một lần nữa cần phải nhấn mạnh rằng, khách hàng chi tiền để thưởng thức cả chất lượng dịch vụ của bạn nữa.

thái độ phục vụ của nhân viên cũng là một phần trong sản phẩm của quán cà phê

Để chất lượng dịch vụ tốt, bạn cần phải quản lý nhân sự thật tốt thông qua những quy trình, quy định, nội quy để nhân sự nắm vững được tiêu chuẩn công việc và thái độ của mình khi phục vụ khách hàng.

Tham khảo ngay bài viết: Quản lý nhân sự nhà hàng, quán cafe – giai đoạn sống chung với covid

4.3 Thúc đẩy quá trình phát sinh nhu cầu thưởng thức đồ uống

Đây chính là quá trình mà bạn quảng cáo sản phẩm dịch vụ của mình tới với khách hàng. Mục đích Marketing của bạn chính là làm sao để càng nhiều người biết đến quán cafe của bạn càng tốt. Có rất nhiều cách để truyền tải về sản phẩm của bạn đến với người tiêu dùng.

4.3.1 Tờ rơi

Có thể nhiều người nghĩ đây là phương pháp đã cũ và không còn hiệu quả. Thế nhưng, nó lại mang lại hiệu quả cực kỳ cao đối với tệp khách hàng sinh sống và làm việc trong khu vực.

Một lưu ý cho các bạn khi phát tờ rơi là đừng tập trung quá nhiều vào những người đi xe máy, vì rất có thể họ chỉ tình cờ di chuyển qua khu vực quán cà phê của bạn mà thôi. Hãy tập trung vào những người đi xe bus, đi xe đạp, đi bộ. Nhóm khách hàng này, có nhiều thời gian di chuyển hơn, không quá vội vã và rất có thể sẽ là khách hàng sinh sống hay làm việc trong khu vực.

4.3.2. Voucher

Voucher cũng một chiêu thức quảng cáo hiệu quả. Lợi thế của voucher nằm ở việc thúc đẩy khách hàng lưu giữ thông tin về quá cà phê của bạn ở trong ví. Mỗi lần mở ví và tình cờ nhìn thấy voucher là sẽ có một lần quán cà phê của bạn hiện diện ở trong tâm trí của khách hàng. Vì thế đừng ngại ngùng sử dụng voucher thường xuyên nhé.

marketing quán cafe

4.3.3. Poster, băng rôn, standee

Cách này sẽ hiệu quả nếu bạn chọn được vị đặt banner, poster, banner dễ thu hút tầm mắt đối với những khách hàng tiềm năng.

Trên banner của bạn, khách hàng phải thấy được lợi ích khi họ ghé qua và thưởng thức đồ uống của quán bạn. Bạn có thể đặt ở chính mặt bằng kinh doanh của mình hoặc những nơi đông người, trong khu vực kinh doanh của bạn.

4.3.4. Marketing online

Hiện nay, Marketing trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Instagram, TikTok, Youtube đang cực kỳ được ưa chuộng. Đây là những công cụ đắc lực giúp bạn tiếp cận đến một nhóm người xem rất đông đảo mà không mất quá nhiều thời gian và công sức.

Tuy nhiên nhược điểm của hình thức quảng cáo này chính là chúng tiêu tốn rất nhiều tiền và rất có thể những người đọc được quảng cáo lại không phải là khách hàng tiềm năng của bạn.

Ngoài ra, bạn sẽ cần phải có đội ngũ lên nội dung và chạy quảng cáo để có thể tối ưu ngân sách Marketing. Vì thế hình thức chạy quảng cáo online này thường chỉ phù hợp với các chuỗi F&B lớn mà thôi.

marketing quán cafe

Để triển khai Marketing Online tốt, đầu tiên bạn hãy tạo ra một fanpage và thu hút khách hàng trên đó. Bạn cần phải liên tục cập nhật thông tin quán của bạn: từ hình ảnh đời thường, không gian quán, đồ uống, cho đến hình ảnh trải nghiệm khách hàng. Bạn cũng có thể kêu gọi mọi người check-in và chụp hình đăng tải lên fanpage của họ để góp phần quảng cáo cho quán cà phê của bạn được biết đến rộng rãi hơn.

Ngoài ra, bạn có thể liên hệ tới các diễn đàn về ẩm thực như foody, now, lozy….để sẽ chia sẻ thông tin và hình ảnh quán của bạn trên các trang này. Nhu cầu khách hàng khi sử dụng các trang cộng đồng này là để tìm kiếm thông tin về các quán ăn ngon. Vì thế đây là một “mỏ vàng” khách hàng tiềm năng mà bạn không nên bỏ qua.

Cuối cùng, đừng quên tầm ảnh hưởng của những Food Bloggers, những người chuyên review đồ uống với lượng fan và người theo dõi đông đảo. Chỉ cần quán cà phê của bạn là điểm đến được ưa chuộng bởi những Food Bloggers, bạn gần như sẽ chẳng mất tiền quảng cáo mà vẫn sẽ đông khách.

4.4 Thúc đẩy quá trình phát sinh yêu cầu

Khi bạn đã thành công trong việc quán cà phê của bạn được nhiều người biết đến, nhiệm vụ tiếp theo trong giai đoạn này là làm sao chuyển hoá được những người đọc quảng cáo của bạn trở thành những người mua hàng.

Hình thức thúc đẩy nhanh chóng và dễ dàng nhất là liên tục áp dụng các chương trình ưu đãi để thu hút khách hàng phát sinh “yêu cầu” nhanh chóng hơn. Mỗi hình thức ưu đãi đều có những hiệu quả kêu gọi riêng của chúng. Tuỳ theo mục đích của chương trình, mà bạn có thể áp dụng các chương trình ưu đãi khác nhau để tạo ra hiệu quả tối đa.

thúc đẩy quá trình phát sinh yêu cầu là một phần quan trọng trong chiến lược Marketing F&B

Các chương trình ưu đãi và hiệu quả thúc đẩy về:

  • Ưu đãi trong các dịp lễ tết: đánh vào tâm lý đi chơi và chi tiêu nhiều hơn của khách hàng
  • Ưu đãi giảm giá theo hoá đơn: đánh vào tâm lý khách hàng mới chỉ biết đến quán, nhưng chưa từng ghé qua trải nghiệm sản phẩm.
  • Ưu đãi tích điểm, tích lượt: đánh vào nhóm khách hàng trung thành, kích thích họ quay lại quán cà phê nhiều hơn
  • Ưu đãi mua 2 tặng 1, mua 3 tặng 1: đánh vào tâm lý đi theo nhóm, khách hàng đi chung được hưởng ưu đãi nhiều hơn. Gia tăng doanh số thông qua việc tăng giá trị trung bình đơn hàng.

Tất nhiên sẽ rất khó để có thể lọc ra các nhóm đối tượng khách hàng như trên để áp dụng chương trình ưu đãi cho riêng họ. Chính vì thế, quán cà phê cần có một công cụ quản lý thông tin khách hàng hội viên và quy ước: khách hàng chưa đăng ký hội viên là khách hàng mới chưa ghé qua, khách hàng đã đăng ký hội viên là khách hàng trung thành.

Tham khảo ngay về công cụ quản lý khách hàng hội viên tại đây

4.5 Xây dựng, duy trì và phát triển mối quan hệ đối với khách hàng

Với những khách hàng trung thành, bạn nên có chương trình dành riêng để tri ân họ. Có thể là tặng kèm một chiếc bánh khi họ uống nước, giảm giá trực tiếp trên bill, hay chiết khấu dựa trên hạng thẻ thành viên…. Điều này chắc chắn sẽ khiến họ rất vui và cảm thấy được quan tâm và trân trọng. Họ sẽ giới thiệu và rủ thêm bạn bè và người thân thường xuyên lui tới quán của bạn.

Những nhà bán lẻ xuất sắc nhất thế giới đã chỉ ra rằng, chỉ có 1 bộ phận 20% khách hàng trung thành mang lại 80% doanh số. Và 80% khách hàng còn lại chỉ mang về 20% doanh số mà thôi. Tỉ lệ này hoàn toàn đúng ở mô hình F&B.

 

khách hàng trung thành mang lại 80% doanh thu

Chính vì thế việc lọc ra được nhóm 20% khách hàng trung thành này là điều vô cùng quan trọng đối với ngành F&B. Không phải ngẫu nhiên mà các thương hiệu chuỗi cafe lớn như Starbucks hay The Coffee House đều xây dựng chương trình thẻ thành viên để kiểm soát thông tin mua hàng của nhóm khách hàng trung thành này.

Công nghệ hiện đại đã cung cấp những công cụ quản lý khách hàng hội viên vô cùng dễ dàng, được tích hợp ngay trên phần mềm bán hàng. Khi sở hữu những công cụ này và có được một lượng khách hàng hội viên ổn định, bạn sẽ luôn có một kênh truyền thông miễn phí để truyền tải thông điệp tới nhóm khách hàng mang lại cho bạn 80% doanh thu.

5. Quản lý hiệu quả từ hoạt động Marketing cho quán cà phê

Để quản lý tốt hiệu quả từ hoạt động Marketing, điều cốt lõi nhất chính là bạn phải quy được hiệu quả chiến dịch ra các hành động của khách hàng và có biện pháp đo đếm một cách cụ thể.

Điều này đồng nghĩa với việc hãy ngay lập tức bỏ đi các nội dung quảng cáo dạng như: “Giảm giá 20% khi đến cửa hàng vào ngày valentine” hay “Chương trình mua 3 tặng 1 áp dụng từ ngày X đến ngày Y.” Với các chương trình như thế này, bạn sẽ không bao giờ biết được chi phí Marketing của mình bỏ ra có đạt được mục đích hay không.

Để kiểm soát tốt hiệu quả thu về từ hoạt động Marketing, các bạn phải phát hành ra các mã giảm giã, voucher giảm giá và có hình thức thu thập lại các mã giảm giá, voucher này cùng với hoá đơn áp dụng để tính toán hiệu quả doanh số mua về.

marketing quán cafe

Hãy chạy quảng cáo các nội dung dạng như: “Đọc mã Valentine 2022 để được giảm giá ngay 20% khi đến quán cà phê của chúng tôi” hoặc phát hành voucher được thiết kế, in ấn và ký tên chứng nhận phát hành từ chủ nhà hàng. Khi khách hàng đến cửa hàng và đề xuất áp dụng ưu đãi, hãy yêu cầu khách hàng đọc mã hoặc trình voucher ưu đãi.

Đối với mã ưu đãi hãy nhắc nhân viên ghi lại thông tin trên hoá đơn, đối với voucher in rời hãy nhắc nhân viên xé voucher và dập ghim cùng với hoá đơn.

Khi kết thúc chương trình bạn, cần tổng kết doanh số thu về từ chương trình Marketing và đánh giá hiệu quả dựa trên % chi phí Marketing bỏ ra trên tổng doanh thu từ chương trình.

6. Tổng kết

Thật sự không dễ để có thể triển khai Marketing F&B, ngay cả đối với những người làm Marketing chuyên nghiệp nhất. Chính vì thế bạn cần phải liên tục tìm tòi, áp dụng các xu hướng Marketing mới nhất để đánh giá xem chương trình Marketing nào thực sự phù hợp với mô hình kinh doanh quán cà phê của mình.

Trong bối cảnh Việt Nam ngày càng quan tâm đến công cuộc chuyển đổi số, ngành F&B cũng sẽ không nằm ngoài ngoại lệ đó. Tầm ảnh hưởng của hoạt động Marketing vì thế sẽ càng được đề cao và những mô hình F&B áp dụng Marketing nhanh chóng và hiệu quả sẽ có cơ hội thành công lớn hơn.

Chúc các bạn triển khai các hoạt động Marketing thành công cho mô hình kinh F&B của mình.

 

Đăng ký nhận tin

Chia sẻ bài viết hữu ích này
Tin liên quan
Chiến lược marketing của Ding Tea: trà sữa quốc dân
27/12/2023
Chiến lược marketing của Gong Cha: Sản phẩm là ưu…
27/12/2023
Làm thế nào để trang trí quán cà phê đẹp…
22/06/2023
Marketing chuỗi quán cafe – làm thế nào, đo hiệu…
11/10/2023
Chiến lược marketing của TocoToco thúc đẩy mở rộng hơn…
29/06/2022