Kế toán kho nhà hàng là gì? Mô tả chi tiết công việc của vị trí này

Kế toán kho nhà hàng giữ một vai trò quan trọng trong doanh nghiệp, giúp tạo nên doanh thu và giảm chi phí đáng kể. Nếu bạn đang có nhu cầu muốn ứng tuyển tại vị trí này, hoặc đang thắc mắc về những công việc cụ thể của một kế toán kho nhà hàng, bài viết sau đây sẽ giải đáp cho bạn. Cùng theo dõi nhé! 

Khái niệm kế toán kho nhà hàng

Kế toán kho nhà hàng còn có tên gọi khác là Kế toán theo dõi hàng tồn kho nhà hàng. Đây là một trong những vị trí Kế toán viên từng phần hành (cùng với Kế toán doanh thu, Kế toán tiền lương, Kế toán thanh toán,…) thuộc khối Tài chính – Kế toán. Những nhân viên đảm nhiệm vị trí này sẽ làm việc tại các kho chứa hàng hóa, nguyên vật liệu của nhà hàng. Họ làm việc dưới sự giám sát của Kế toán trưởng, hoặc Kế toán tổng hợp thuộc phòng Kế toán. 

Kế toán kho nhà hàng làm việc tại kho chứa hàng hóa, nguyên vật liệu của nhà hàng

Nhiệm vụ chính của một kế toán kho nhà hàng

Kế toán kho nhà hàng giữ vai trò quan trọng trong doanh nghiệp. Bởi lẽ, vị trí này đảm nhận các nhiệm vụ liên quan đến doanh thu và chi phí. Những công việc này bao gồm: lập hóa đơn, chứng từ và theo dõi chi tiết số lượng hàng hóa trong kho (bao gồm tình hình hàng nhập – hàng xuất – hàng tồn kho). Bên cạnh đó, kế toán kho còn có trách nhiệm đối chiếu sổ sách, hóa đơn, chứng từ với số liệu thực tế do Thủ kho trình lên, với mục đích hạn chế tối đa rủi ro và thất thoát lớn cho doanh nghiệp.

Kế toán kho nhà hàng giữ vai trò quan trọng với 3 nhiệm vụ chính

Chi tiết công việc của một kế toán kho

Vậy, chi tiết công việc của một kế toán kho nhà hàng là gì? Nếu bạn đang có những thắc mắc như trên, hãy cùng tìm hiểu ngay qua phần dưới đây nhé: 

Theo dõi, rà soát, kiểm kê hàng hóa trong kho

Kế toán kho nhà hàng chịu trách nhiệm chính trong việc theo dõi, rà soát, kiểm kê hàng hóa trong kho. Người đảm nhiệm vị trí này phải thường xuyên cập nhật tình hình hàng hóa trong kho, đồng thời, lên kế hoạch xuất – nhập hàng hóa để trình lên Kế toán trưởng xem xét và phê duyệt. 

Kế toán kho nhà hàng là một mắt xích quan trọng, cùng với thủ kho – bên nhận – bên giao trực tiếp tham gia kiểm đếm số lượng hàng hóa nhập kho và xuất kho. Phải đảm bảo sao cho số lượng này trùng khớp với yêu cầu đã thỏa thuận, đồng thời, lưu nội dung giao nhận vào sổ ghi chép Kế toán để kiểm soát. 

Kiểm kê hàng hóa

Kế toán kho và Thủ kho liên hệ chặt chẽ với nhau trong quá trình làm việc. Định kỳ 3 tháng 1 lần, kế toán kho phải cùng với thủ kho kiểm kê toàn bộ hàng hóa và nguyên vật liệu trong kho nhà hàng. Bên cạnh đó, phải xử lý hàng hóa hư hỏng, hết hạn sử dụng đúng cách. Ngoài ra, người đảm nhiệm vị trí này còn phải phối hợp với thủ kho nhanh chóng hoàn tất thủ tục xuất – nhập hàng hóa; theo dõi hàng hóa , nguyên vật liệu tồn để kịp thời đưa ra phương án xử lý (nhập hàng dự trữ hay xử lý hàng tồn). Từ đó, đảm bảo không làm ảnh hưởng đến quá trình kinh doanh của nhà hàng nơi mình làm việc. 

Lập biên bản kiểm kê

Một công việc nữa của kế toán kho đó là chịu trách nhiệm lập biên bản kiểm kê, biên bản đề xuất xử lý nếu phát hiện có sự sai khác giữa số liệu thực tế với sổ sách. Bên cạnh đó, kế toán kho còn thường xuyên hoặc đột xuất kiểm tra việc ghi chép sổ kho của Thủ kho, xem xét cách sắp xếp hàng hóa trong kho cũng như đối chiếu số liệu nhập – xuất. Sau đó, báo cáo về phòng Kế toán trong trường hợp phát hiện sai phạm. Công việc này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc đảm bảo thực hiện đúng quy định, tránh thất thoát tài sản của doanh nghiệp dựa trên số liệu thực tế và trên hệ thống. 

Kế toán kho nhà hàng chịu trách nhiệm chính trong việc kiểm tra, rà soát, theo dõi hàng hóa trong kho

Kiểm tra, rà soát, lập chứng từ xuất – nhập liên quan

Kế toán kho chịu trách nhiệm kiểm tra và xác nhận tính hợp lệ của những chứng từ liên quan. Có thể kể đến như: hợp đồng giao nhận hàng hóa, phiếu yêu cầu xuất nguyên vật liệu, phiếu xuất kho,…Các giấy tờ này cần phải được kiểm tra và đầy đủ trước khi thực hiện nhập – xuất kho. 

Bên cạnh đó, vị trí này còn đảm nhiệm việc kiểm tra các hóa đơn nhập hàng từ nhà sản xuất, trực tiếp xử lý tình huống thiếu hụt nguyên vật liệu, hàng hóa trong phạm vi quyền hạn của mình hoặc báo cáo với cấp trên trong trường hợp cần thiết để kịp thời giải quyết. 

Kế toán kho cũng làm công việc kiểm tra, nhập chứng từ, số liệu hàng hóa lên phần mềm hệ thống. Hàng ngày, kế toán sẽ ghi chép; lập chứng từ nhập – xuất hàng hóa, nguyên vật liệu, hóa đơn mua bán,…khi có yêu cầu từ cấp trên. Thêm vào đó, kế toán cần lập báo cáo và kiểm tra hàng tồn kho, kiểm soát tình trạng nhập – xuất – tồn và báo cáo cho cấp trên, đảm bảo số liệu thực tế trong kho trùng khớp với số liệu trên hệ thống kế toán. 

Kế toán kho nhà hàng cần đảm bảo các chứng từ xuất - nhập liên quan hợp lệ

Nghiệp vụ hạch toán kế toán và kê khai thuế

Kế toán kho nhà hàng còn giữ vai trò quan trọng trong nghiệp vụ hạch toán và kê khai thuế. Họ chịu trách nhiệm hạch toán việc xuất – nhập hàng hóa, nguyên vật liệu, hạch toán doanh thu, giá vốn cũng như chi phí. Ngoài ra, người đảm nhiệm vị trí này phải thường xuyên theo dõi công nợ nhập – xuất hàng hóa. Định kỳ lập biên bản xác minh công nợ, đồng thời, thực hiện kê khai thuế đầu vào và đầu ra theo quy định. Sau đó, cập nhật nội dung kê khai thuế lên hệ thống quản trị kế toán của doanh nghiệp. 

Công việc khác

Bên cạnh đó, còn có một số công việc khác của kế toán kho nhà hàng tùy theo yêu cầu doanh nghiệp như: 

  • Đối chiếu số liệu phát sinh hàng ngày với Kế toán công nợ; cùng với Thủ kho và Kế toán giá thành kiểm tra, đối chiếu các số liệu ghi chép có liên quan. 
  • Đề xuất giải pháp nâng cao năng suất hoạt động của bộ phận kho, kiến nghị với cấp trên các vấn đề cần thiết liên quan đến công việc Kế toán kho nhà hàng. 
  • Lập báo cáo hàng tồn kho, báo cáo nhập – xuất – tồn và nhiều báo cáo liên quan khác theo quy định, yêu cầu của cấp trên. 
  • Thực hiện các công việc khác theo sự phân công của cấp trên. 

Kế toán kho còn thực hiện nhiều công việc khác theo chỉ định của cấp trên

Những điều cần lưu ý khi làm kế toán kho

Với nhiều nhiệm vụ và trách nhiệm quan trọng như vậy, người đảm nhiệm vị trí Kế toán kho nhà hàng nên tránh những sai sót trong quá trình làm việc để không làm ảnh hưởng đến việc kinh doanh của doanh nghiệp. Những sai sót thường gặp mà Kế toán kho nhà hàng cần tránh phạm phải có thể kể đến như: 

  • Không thường xuyên đối chiếu số liệu với Thủ kho.
  • Không có biên bản giao nhận hàng hóa cũng như đánh giá chất lượng hàng tồn.
  • Không đủ chứng từ, hóa đơn, phiếu nhập kho đối với hàng tồn kho.
  • Xác nhận và nhập sai giá gốc của hàng tồn.
  • Không làm thủ tục nhập kho mỗi lần nhập hàng mà gộp chung thời gian dài, điều này rất dễ xảy ra sai sót mà các Kế toán kho nhà hàng cần đặc biệt lưu ý. 

Kế toán cần cẩn trọng để tránh mắc phải các sai sót không đáng có

Mức lương của công việc này hiện nay

Theo ghi nhận từ nhiều doanh nghiệp, chức vụ Kế toán kho nhà hàng hiện nay có mức lương dao động trong khoảng từ 5 – 8 triệu đồng/tháng. Con số này chưa bao gồm các khoản thưởng, trợ cấp cũng như phụ cấp khác theo quy định. Tuy nhiên, mức lương cao hay thấp còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố như: quy mô nhà hàng, kinh nghiệm làm việc, khối lượng công việc hay mặt bằng lương chung tại khu vực ứng tuyển của ứng viên. 

Nếu bạn có nhu cầu ứng tuyển vào vị trí Kế toán kho nhà hàng, bạn cần phải chuẩn bị cho mình đầy đủ những kiến thức cần thiết liên quan đến công việc của mình trong tương lai. Một số kỹ năng mà bạn cần nắm vững như: nghiệp vụ kế toán, chế độ kế toán, thành thạo vi tính văn phòng (nhất là excel và các phần mềm kế toán). Cần có sự hiểu biết nhất định về hàng hóa, nguyên vật liệu trong kho (chủng loại, quy cách, mẫu mã,…). 

Kế toán kho nhà hàng có mức lương dao động từ 5 - 8 triệu đồng/tháng tùy doanh nghiệp 

Tạm kết 

Trên đây là những mô tả chi tiết về công việc và trách nhiệm mà một Kế toán kho nhà hàng đảm nhận. Hy vọng thông tin trong bài viết sẽ giúp ích cho bạn trong việc hiểu rõ và nắm vững các đầu mục công việc mà mình cần phải làm. Chúc các bạn thành công!

đăng ký nhận tin

Chia sẻ bài viết hữu ích này
Bài viết liên quan
Xem tất cả