Trọn bộ cẩm nang giúp chủ quán bắt nhịp kinh doanh sau dịch

Đại dịch toàn cầu Covid–19 tác động đến tất cả lĩnh vực trong nền kinh tế đặc biệt ngành dịch vụ ăn uống F&B. Chỉ thị, quy định đóng cửa mô hình F&B ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe tài chính và năng lực vận hành của toàn bộ ngành. Mỗi đợt giãn cách xã hội đều để lại nhiều hệ lụy ngay cả khi các nhà hàng, quán ăn đi vào hoạt động trở lại. Bài viết này chia sẻ kinh nghiệm mở cửa trở lại sau mùa dịch và các phương thức lên kế hoạch ứng phó đại dịch của ngành F&B để các chủ nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn uống có được sự chuẩn bị tốt nhất, nhanh chóng bắt nhịp kinh doanh sau dịch từ đó phục hồi và tăng trưởng doanh số.

I. Tuân thủ quy định của chính quyền và địa phương

Việc hiểu và tuân thủ các quy định liên quan đến phòng chống dịch Covid-19 thể hiện sự đồng lòng của cơ sở kinh doanh với các chính sách nhà nước, đồng thời thể hiện sự tôn trọng đối với sức khỏe, trải nghiệm an toàn của khách hàng.

Để cập nhật các quy định về phòng chống Covid-19 của chính phủ, anh chị chủ quán tham khảo thông tin chính thức tại Trang tin về dịch bệnh viêm đường hô hấp Covid-19 Bộ Y Tế: https://ncov.moh.gov.vn/

Để việc kinh doanh sau dịch được hiệu quả, luôn cần tới sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương thông tin kịp thời và hướng dẫn chi tiết các chỉ thị, nghị định mới. Vì thế các doanh nghiệp và mô hình kinh doanh ngành F&B hãy luôn tuân thủ, tuyệt đối chấp hành các quy định và hỗ trợ những cán bộ thực thi hoàn thành tốt nhiệm vụ của họ.

Kinh doanh nhà hàng “hậu Covid”

II. Đánh giá sức khỏe tài chính của nhà hàng

2.1 So sánh doanh thu các thời điểm 

Đặc điểm của mô hình F&B là những dữ liệu kinh doanh trong lịch sử gần như cung cấp chính xác xu hướng thưởng thức và trải nghiệm sản phẩm của thực khách đối với các nhà hàng, quán cafe. Thu thập và nghiên cứu lịch sử hoạt động giúp cho chủ nhà hàng có cái nhìn toàn cảnh về nhu cầu, thói quen ăn uống, chi tiêu của khách hàng.

Hãy trả lời một vài câu hỏi sau đây để có được những quyết định chính xác khi nhà hàng đi vào hoạt động trở lại kinh doanh sau dịch: 

  • So sánh giá trị trung bình một hoá đơn của khách thời điểm trước dịch và sau khi mở cửa trở lại?
  • Số lượng hóa đơn trung bình một ngày thời điểm trước dịch và sau khi mở cửa trở lại?
  • Có món ăn/đồ uống nào được order nhiều hơn sau khi mở cửa trở lại không?
  • Các chương trình ưu đãi/giảm giá có hoạt động thật sự hiệu quả sau khi mở cửa trở lại?

Những thống kê về doanh thu các thời điểm sẽ cung cấp cho chủ nhà hàng nhiều dự đoán có cơ sở để đề ra chiến lược kinh doanh sau dịch, thu hút khách hàng hiệu quả hơn.

MISA CukCuk trích xuất dữ liệu, lên báo cáo nhanh chóng

>> Phần mềm quản lý MISA CukCuk giúp trích xuất dữ liệu, lên báo cáo nhanh chóng với hơn 40 loại biểu đồ, báo cáo bán hàng, báo cáo doanh thu

Đăng ký nhận thông tin hữu ích từ MISA CukCuk tại đây:

2.2 Đánh giá sức khỏe tài chính của nhà hàng

Sức khỏe tài chính là yếu tố cốt lõi trong kinh doanh, phản ánh tình hình tài chính của doanh nghiệp ở các khía cạnh như: dòng tiền, khả năng sinh lời, khả năng thanh khoản…, từ đó nói lên cơ hội phát triển kinh doanh và năng lực ứng phó với các diễn biến xấu trong bất kể hoàn cảnh nào. Hãy chuẩn bị giấy tờ ghi các câu trả lời cho các câu hỏi sau ra giấy để có một cái nhìn toàn cảnh về sức khỏe tài chính hiện tại mô hình F&B của bạn:

  • Liệu nhà hàng còn khoản công nợ nào với đối tác chưa thực hiện?
  • Khoản công nợ này sau bao lâu sẽ đến hạn thanh toán?
  • Các khoản công nợ của khách hàng, đối tác đã được thu hồi hết hay chưa? 
  • Các khoản thanh toán gần nhất sẽ đến vào thời điểm nào? 
  • Tiền mặt, tiền trong tài khoản của nhà hàng đang ở mức nào?

Thống kê về dòng tiền, đánh giá sức khỏe tài chính sẽ giúp chủ nhà hàng xác định được kế hoạch thu – chi hợp lý, tránh rơi vào tình trạng thiếu hụt dòng tiền do chưa kịp thu hồi từ hoạt động kinh doanh.

>> Tìm hiểu tính năng kiểm tra công nợ đầy đủ của phần mềm.

2.3 Đưa ra dự báo về tình hình kinh doanh sau dịch

Đưa ra dự báo về tình hình kinh doanh nhà hàng sau dịch

Từ những số liệu thu thập được, chủ nhà hàng có thể đưa ra dự báo tình hình kinh doanh ngắn và dài hạn sau dịch. Căn cứ trên điểm hoà vốn đã tính toán từ lúc lập kế hoạch kinh doanh, chủ nhà hàng có thể cân đối tăng hoặc cắt giảm định phí, biến phí hoặc đề xuất giãn nợ với đối tác, nhà cung cấp để luôn đảm bảo mô hình kinh doanh hoạt động ổn định, đủ thời gian kinh doanh, hồi phục nguồn tiền, chi trả cho các hoạt động vận hành.

2.4 Đánh giá năng lực chi tiêu của khách hàng sau dịch 

Theo khảo sát gần đây, nhìn chung tâm lý người tiêu dùng Việt Nam tương đối ổn định, lạc quan dù Covid-19 còn nhiều tác động tiêu cực. Không thể phủ nhận Covid-19 đã tác động không nhỏ tới hành vi tiêu dùng khách hàng, đặc biệt với ngành dịch vụ F&B, khi mà các mặt hàng thiết yếu, đảm bảo nhu cầu sống an toàn được chú trọng hơn.

Tuy nhiên, những nhân tố tác động trực tiếp đến hành vi chi tiêu khách hàng chủ yếu vẫn nằm ở thương hiệu doanh nghiệp và chất lượng sản phẩm thay vì giá cả. Các nhà hàng, quán cafe hãy tập trung nâng cao giá trị cốt lõi về sản phẩm, dịch vụ, từ đó đưa thương hiệu đến gần hơn với khách hàng, được khách hàng tin yêu và sẵn sàng đồng hành trong giai đoạn phục hồi sau này.

2.5 Nên hay không nên điều chỉnh tỷ lệ chi phí vận hành

Khi toàn bộ nền kinh tế nói chung và các mô hình F&B nói riêng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức về tài chính do đại dịch Covid-19 gây ra, chủ nhà hàng hãy cân nhắc điều chỉnh chi phí vận hành để đảm bảo duy trì hoạt động kinh doanh ổn định. Có rất nhiều chi phí vận hành khác nhau trong ngành F&B, tuy nhiên tựu chung lại gồm có: chi phí mặt bằng, chi phí vận chuyển, chi phí tiện ích như điện, nước, Internet, phần mềm bán hàng…

Hãy tiếp cận với từng hạng mục chi phí và cùng tìm ra giải pháp:

  • Chi phí mặt bằng: 

Mặt bằng là một trong những yếu tố “ngốn” nhiều chi phí vận hành nhất đối với mô hình F&B. Chủ nhà hàng cần nghiêm túc đánh giá nếu mặt bằng hiện tại đang thuê với giá quá cao. Liệu quy mô kinh doanh của mình có khả năng chi trả chi phí mặt bằng lớn như vậy hay không? Nếu câu trả lời là không hãy đàm phán giảm tiền thuê mặt bằng, giãn công nợ với đối tác, hoặc đề xuất tách nhỏ chi phí mặt bằng từ năm về quý, quý về tháng để dòng tiền không bị biến động lớn sau mỗi đợt thanh toán. 

Mặt bằng là thứ ngốn nhiều chi phí nhất trong kinh doanh

Đây tuy không phải biện pháp lâu dài nhưng tác dụng nhanh và dễ thực hiện trong thời điểm vừa trở lại hoạt động kinh doanh. Trường hợp phương án trên không thể thực hiện, chủ nhà hàng có thể cân nhắc thay đổi mặt bằng phù hợp hơn. Giá mặt bằng trong hai năm 2020 – 2021 có chiều hướng giảm mạnh. Tuy nhiên, thay đổi mặt bằng đồng nghĩa với chấp nhận bỏ toàn bộ phần thô đã đầu tư ban đầu, do vậy hãy tính toán kỹ lưỡng. 

  • Chi phí giao hàng

Nếu không quá cần thiết thuê shipper ngoài hoặc bên dịch vụ giao vận, bạn có thể cắt giảm hoặc tận dụng nguồn nhân sự cố định của cửa hàng. Chi phí vận chuyển tưởng chừng không đáng kể nhưng lại phát sinh thường xuyên, chiếm tỷ trọng không nhỏ trong tổng chi phí vận hành. Ngoài ra, việc sử dụng nhân sự nhà hàng sẽ giúp tiết kiệm chi phí giao hàng cho khách, để họ thêm tin tưởng sử dụng dịch vụ. “Freeship” (miễn phí giao hàng) là một chiến lược kéo khách hàng rất tốt khi các sản phẩm được bán có mức giá từ trung bình đến cao.

  • Chi phí tiện ích khác (điện, nước, Internet,…): 

Hầu hết đây đều là chi phí thiết yếu khó có thể cắt giảm để duy trì vận hành, chủ nhà hàng nên truyền thông để nhân viên hiểu và thực hành tiết kiệm tối đa có thể, giảm thiểu chi phí cho quán. 

  • Cuối cùng, liệt kê hoàn chỉnh toàn bộ danh mục giá vốn hàng bán, chi phí vận hành hiện tại của nhà hàng bằng công cụ tính hữu hiệu Microsoft Excel. Từ đó nhìn lại tổng thể và đánh giá danh mục này dựa theo phần trăm trên tổng doanh thu. Thay vì tăng giảm chi phí một cách cảm tính, hãy xây dựng định biên cho từng loại chi phí. Các khoản chi phí vượt quá ngưỡng định biên dù tạo ra doanh thu cũng không giúp chủ nhà hàng có thêm lợi nhuận, ngược lại còn lãng phí các nguồn lực và gây hao mòn tài sản.

Dưới đây là Bảng thống kê chi phí – doanh thu tháng 5 – 7/2021 của một nhà hàng tại Hà Nội theo từng đầu mục chi phí: 

Từng hạng mục giá vốn hàng bán (COGs), chi phí vận hành được liệt kê chi tiết và xây dựng mức định biên tương ứng. Dựa theo bảng kê này, chủ nhà hàng dễ dàng đánh giá các khoản chi phí ở từng thời điểm bị vượt ngưỡng cho phép (số liệu bôi đỏ trên hình ảnh), hay những khoản chi phí có thể đầu tư thêm để nâng cao hiệu quả, từ đó có biện pháp điều chỉnh thích hợp đảm bảo hoạt động kinh doanh sau dịch ổn định cho nhà hàng. 

III. Đánh giá thực đơn, nguyên liệu và tồn kho 

3.1 Đánh giá lại giá vốn hàng bán và sức bán của sản phẩm trong menu

“Giá vốn hàng bán” là gì?

Ví dụ: giá vốn hàng bán của một cốc bạc sỉu gồm: chi phí nguyên liệu cafe, sữa tươi, sữa đặc, (cốc giấy – ống hút giấy – túi giấy nếu take away)… Giá vốn hàng bán biến động liên tục theo giá thị trường. Chủ nhà hàng hãy kiểm tra lại giá vốn từng sản phẩm ở thời điểm hiện tại, tính ra lợi nhuận thực sau khi trừ các chi phí vận hành, nhân công, mặt bằng… để có thể phản ánh giá trị lỗ, lãi trong hoạt động kinh doanh của nhà hàng.

Song song với đó, chủ nhà hàng cần đánh giá sức bán từng sản phẩm trong menu dựa trên lịch sử dữ liệu đơn hàng, từ đó hệ thống lại và đánh giá sức bán cụ thể từng món. Cố gắng tìm ra nguyên nhân vì sao món này bán chạy, món kia bán chậm và hướng khắc phục. Lý do có thể ở hương vị sản phẩm, chất lượng nguyên liệu đầu vào, giá thành bán ra, thị hiếu khách hàng, …

Kết hợp hai chỉ số là giá vốn hàng bán sức bán, chủ quán có thể đưa ra quyết định duy trì, hay gạch tên sản phẩm đó khỏi menu một cách có cơ sở. Việc “tối giản hóa” menu của nhà hàng trong thời điểm dịch bệnh là một công việc cần thiết. 

3.2 Đánh giá lại mức độ đa dụng trên mỗi đầu nguyên vật liệu

Liệt kê cụ thể các đầu nguyên vật liệu cấu thành nên mỗi món ăn, thức uống, và tổng hợp số lượng món có thể được tạo ra từ mỗi đầu nguyên vật liệu. Mức độ đa dụng của các đầu nguyên vật liệu được thể hiện qua con số này.

Mức độ đa dụng của Kem Béo & Siro Hoa Hồng

Như bài viết đề cập phía trên, “tối giản hóa” thực đơn nhà hàng sau mùa Covid là công việc khá quan trọng để cắt giảm chi phí giá vốn hàng bán lẫn khối lượng tồn kho cần theo dõi. Cân nhắc tạm dừng nhập hoặc loại bỏ những đầu nguyên vật liệu chỉ được dùng để sản xuất 1-2 món. Tuy nhiên nên xem xét một cách tổng quan đến các yếu tố xung quanh trước khi quyết định: sức bán của sản phẩm, giá nhập hay hạn dùng của các đầu nguyên vật liệu ,… 

3.3 Kiểm tra tồn kho nhà hàng

Việc đầu tiên các doanh nghiệp nói chung cần làm ngay sau một “kỳ nghỉ dài” là kiểm tra tồn kho. Điều này càng quan trọng hơn đối với mô hình F&B, bởi tồn kho của họ là thực phẩm – loại hàng hóa có vòng đời ngắn, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe người tiêu dùng. Những đầu mục công việc cho quy trình kiểm tra tồn kho nhà hàng gồm:

a. Kiểm tra nguyên liệu, thực phẩm tồn kho:

  • Kiểm tra hạn sử dụng của nguyên liệu phục vụ chế biến đồ ăn/đồ uống. Tuyệt đối tránh tình trạng nhân viên sử dụng nguyên liệu đã hết hạn phục vụ khách hàng.
  • Đánh giá tình trạng của nguyên liệu (không bục rách, xịt hơi; không ẩm mốc, biến màu, biến thể, có mùi lạ;…).
  • Đối với hàng hoá cần bảo quản trong tủ mát, tủ đông: kiểm tra kỹ hệ thống máy móc tránh trường hợp máy hỏng, mất nguồn điện…. dẫn đến hỏng toàn bộ thực phẩm.

b. Kiểm tra lượng dung dịch vệ sinh tẩy rửa và vệ sinh kho bãi, nhà bếp: 

Vệ sinh nhà hàng thường xuyên sau dịch
  • Kiểm tra dung dịch vệ sinh tẩy rửa, đảm bảo đủ số lượng và còn hạn sử dụng.
  • Dọn dẹp, vệ sinh khu vực kho bãi, khu bếp nhà hàng để ngăn ngừa ô nhiễm, lây lan vi khuẩn và đảm bảo an toàn thực phẩm. 
  • Làm sạch cơ sở vật chất, thiết bị dụng cụ, đồ chứa… trong nhà hàng.

c. Kiểm tra các trang thiết bị bảo hộ chống dịch:

Nội dung này phụ thuộc vào quy định hiện hành của chính quyền về phòng chống dịch Covid-19 đối với các nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn uống. Các anh chị chủ quán có thể cập nhật tại Trang tin về dịch bệnh viêm đường hô hấp Covid-19 Bộ Y Tế: https://ncov.moh.gov.vn/

  • Khẩu trang y tế: người chế biến thực phẩm, nhân viên phục vụ đồ ăn bắt buộc đeo khẩu trang trong ca làm việc.
  • Kính bảo hộ chống giọt bắn: đối với nhân viên thu ngân, nhân viên trực tiếp chế biến đồ ăn nên sử dụng kính chống giọt bắn tăng hiệu quả phòng dịch, tạo cảm giác an tâm cho khách hàng.
  • Nhiệt kế: đo thân nhiệt cho nhân viên và khách hàng trước khi vào nhà hàng.
  • Bao gói thực phẩm: đối với các suất ăn sẵn, thực phẩm chuyển đi phải được bao gói trong hộp/ túi kín, an toàn và bảo quản theo quy định trong suốt quá trình vận chuyển.
  • Dung dịch khử khuẩn: nước rửa tay khô cho khách hàng sử dụng trước và sau khi dùng bữa tại nhà hàng; xịt khử khuẩn bàn ghế, dụng cụ trong nhà hàng
  • Vách ngăn: các nhà hàng bố trí giãn cách chỗ ngồi cho khách, khuyến khích có vách ngăn giữa các chỗ ngồi.

IV. Đánh giá lại bộ máy nhân sự

Đội ngũ nhân viên nhà hàng

4.1 Cập nhật tình hình lực lượng lao động

Sau một khoảng thời gian tạm thời đóng cửa nhà hàng do dịch bệnh, không chỉ hoạt động kinh doanh mà cả yếu tố “con người” cũng có những biến động. Việc ngăn cách về thời gian và địa lý, ít nhiều tạo nên khoảng cách và sự đứt mạch trong tương tác nhân sự. 

Ở vai trò người sử dụng lao động, các anh chị chủ quán hãy dành thời gian kết nối lại với nhân viên của mình, cập nhật tình hình của họ về sức khỏe, tài chính, dự định cá nhân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người lao động sau một thời gian nghỉ dịch. Từ đó có sự chuẩn bị và điều chỉnh phù hợp về nhân sự của nhà hàng trước khi chính thức trở lại kinh doanh sau dịch.

4.2 Cân đối và tái cơ cấu lực lượng lao động 

Dựa trên những thông tin thu thập được sau bước đánh giá lại nhân sự, kết hợp bối cảnh chung của nền kinh tế sau đại dịch cùng những định hướng tồn tại và phát triển khác nhau của mỗi doanh nghiệp, các anh chị chủ quán cần cân đối lại và tái cơ cấu lực lượng lao động nếu điều đó là cần thiết. 

Dưới đây là 2 điều mà các chủ quán cần triển khai nhằm tái cơ cấu lực lượng lao động hiệu quả:

a. Đối với nhóm nhân sự hiện có: 

Chủ nhà hàng cần nỗ lực trong việc duy trì nhân viên đặc biệt là các vị trí quan trọng chủ chốt như: cấp quản lý nhà hàng, nhân viên xuất sắc… Đây rõ ràng là nguyên tắc căn bản trong quản trị nhân lực: ưu tiên cho nguồn nhân lực sẵn có, tránh ảnh hưởng hiệu suất công việc và tiết kiệm các chi phí đào tạo, chi phí nhân sự liên quan.

Với các trường hợp người lao động gặp khó khăn về tài chính, hoặc muốn thay đổi dự định công việc (điều này xảy ra nhiều hơn ở nhóm lao động phổ thông như: nhân viên phục vụ, chạy bàn, thu ngân, bảo vệ… bởi đặc thù thu nhập bình quân thấp, và thường là các bạn sinh viên…), chủ nhà hàng hãy quan tâm, động viên tinh thần “anh em”, thậm chí xây dựng chính sách lương thưởng, hỗ trợ riêng nếu thực sự cần “giữ người”, hạn chế tối đa biến động nhân sự đối với nguồn nhân giỏi lực sẵn có. 

b. Đánh giá lại năng lực và tái cơ cấu bộ máy nhân sự

Đánh giá lại toàn bộ đội ngũ nhân viên, đặc biệt kỹ càng hơn ở các vị trí chiến lược của nhà hàng. Hãy có cái nhìn tổng quan và sâu sắc về vấn đề này. Để có những quyết định đúng đắn trong tổ chức tái cơ cấu nhân sự, chủ nhà hàng cần xác định rõ ràng định hướng phát triển của mình giai đoạn “hậu Covid” là gì, sau đó lập kế hoạch, chiến lược và chuyển đổi lực lượng lao động. Nhân viên luôn được xem là “tài sản lớn nhất” của một mô hình kinh doanh. Bởi vậy, mọi quyết định của chủ quán về việc điều chuyển, tuyển mới hay sa thải nhân viên đều ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh sau dịch của nhà hàng.

V. Tăng cường đào tạo và phát triển nhân sự

5.1 Tái đào tạo các công việc thường xuyên của nhà hàng

Công tác đào tạo nhân viên tập trung của nhà hàng

Công tác đào tạo định kỳ cho nhân viên vốn được xem là đặc biệt quan trọng đối với ngành dịch vụ F&B. Bạn biết đấy khi một khách hàng có trải nghiệm không tốt tại nhà hàng, họ có thể không bao giờ quay lại và việc lan truyền thông tin tiêu cực chính là những “kẻ giết người thầm lặng” trong kinh doanh. Đào tạo nhân viên phục vụ khách hàng tốt là cốt yếu cho sự thành công và phát triển của nhà hàng. 

Điều này càng cấp thiết ở thời điểm hoạt động trở lại sau dịch, khi đội ngũ nhân viên đã có thời gian dài không thường xuyên tham gia công tác phục vụ khách hàng. Chủ nhà hàng cần tổ chức đào tạo lại toàn bộ nghiệp vụ tiếp đón, phục vụ, chăm sóc khách hàng, vệ sinh nhà hàng…, đảm bảo người lao động nắm vững các công tác này để việc nhà hàng vận hành trở lại được trơn tru và tạo những trải nghiệm tuyệt vời cho khách hàng. 

5.2 Phổ biến, đào tạo quy định phòng dịch

Ở trạng thái “bình thường mới” các nhà hàng, quán ăn cần gắn liền hoạt động kinh doanh sau dịch với việc tuân thủ quy định về phòng dịch Covid-19 của chính quyền. Cần phổ biến, đào tạo một cách bài bản và có trách nhiệm cho nhân viên về các quy định phòng dịch:

  • Nhân viên chế biến thực phẩm khu bếp, nhân viên phục vụ tại nhà hàng bắt buộc phải đeo khẩu trang trong suốt ca làm việc.
  • Không nhận nhiều khách cùng lúc, ưu tiên khách đặt bàn trước, đối với khách không đặt trước nên cân nhắc nhận hay không tùy theo số lượng khách hiện có tại nhà hàng.
  • Nếu người chế biến thực phẩm, nhân viên phục vụ tại nhà hàng có bất kỳ biểu hiện sốt, ho không được chế biến thực phẩm, phục vụ đồ ăn.
  • Trong ca làm việc, nhân viên không được cười đùa, nói to, cố gắng hạn chế tiếp xúc gần.
  • Đo thân nhiệt và yêu cầu khách hàng rửa tay bằng dung dịch rửa tay khô trước khi vào quán. Nếu khách có biểu hiện sốt ho, nhà hàng xin lỗi khách và khéo léo từ chối nhận khách.
  • Khuyến khích khách hàng thanh toán online thay vì tiền mặt để hạn chế tiếp xúc. 
  • Chủ nhà hàng thường xuyên đôn đốc nhắc nhở để nhân viên hiểu, nhận thức được tầm quan trọng và tuân thủ quy định, thay vì thực hiện gượng ép. 
  • Đào tạo tăng cường quy trình vệ sinh giữa các phiên phục vụ khách và vệ sinh chung toàn nhà hàng. 
  • Triển khai chấm công nhân viên bằng phần mềm MISA CukCuk thay cho hệ thống chấm công vân tay, hạn chế lây nhiễm dịch bệnh.
  • Cập nhật liên tục các quy định về phòng dịch tại Trang tin chính thức của Bộ Y Tế

5.3 Chuyển đổi số “hậu Covid” – học tập và áp dụng công nghệ

Chuyển đổi số ngành F&B

Giao dịch thương mại điện tử trở nên phổ biến hơn do ảnh hưởng của giãn cách xã hội và hạn chế tiếp xúc. Khách hàng dần quen với mua sắm trực tuyến và gọi món về dùng bữa tại nhà. Các doanh nghiệp F&B cần đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số, áp dụng các phần mềm quản lý và bán hàng từ xa để luôn sẵn sàng cho hoạt động đặt món online của khách hàng. 

Kéo theo đó, công tác đào tạo nhân viên làm quen và thích nghi với các công cụ, phần mềm, quy trình bán hàng từ xa là vô cùng thiết yếu và cấp bách để duy trì chất lượng phục vụ với khách hàng ngay khi quán hoạt động trở lại.

Ví dụ, một nhân viên order vốn quen với việc tương tác khách hàng trực tiếp, nay cần sử dụng thành thạo phần mềm đặt món và quy trình xác nhận đơn hàng online, tương tự là nhân viên bếp nhận order chế biến qua phần mềm, nhân viên thu ngân xác nhận thanh toán online cho khách hàng… Nhân viên của bạn cần được đào tạo nhanh chóng, bài bản và sử dụng công nghệ thuần thục để đáp ứng khẩn trương sự dịch chuyển trong thói quen ăn uống của khách hàng.

Đăng ký sử dụng ngay MISA CukCuk – bán hàng online chưa bao giờ dễ dàng đến thế:

VI. Kế hoạch Marketing hiệu quả sau dịch

6.1 Tăng cường hoạt động trên các kênh truyền thông

Hoạt động marketing trong và sau dịch cần diễn ra mạnh mẽ
Hoạt động marketing trong và sau dịch cần diễn ra mạnh mẽ

Tận dụng các trang mạng xã hội như: Facebook, Website, Youtube, Zalo, Email, Tik Tok… để giữ kết nối và nuôi dưỡng mối quan hệ của nhà hàng với khách hàng. Những khách hàng quan tâm đến quán luôn muốn được nghe, thấy và tiếp cận với các hoạt động của quán hàng ngày, dù là trong thời điểm dịch hay bất cứ lúc nào. Hãy thử hình dung trong thời gian nhà hàng đóng cửa, trang mạng xã hội của bạn cũng “đóng băng”, các bài đăng của bạn không còn xuất hiện trên trang thông tin của khách, vô hình chung bạn đang tự khiến mình đào thải khỏi tâm trí khách hàng. 

Đặc biệt một số kênh như Facebook…, việc “lười” tương tác ảnh hưởng tiêu cực tới chỉ số hiển thị của bạn trên tường khách hàng. Hãy cập nhật thường xuyên các bài đăng về hoạt động của quán, hình ảnh meme vui nhộn, bài chia sẻ kiến thức hữu ích, hoặc gửi tin nhắn chăm sóc khách hàng thường xuyên… Tất cả sẽ giúp họ không “quên mặt” bạn, kích cầu khách đặt đồ online, sẵn sàng cho ngày quán mở cửa trở lại.

6.2 Tận dụng tập khách hàng hiện tại

Dù ở thời đại công nghệ số, “truyền miệng” vẫn là hình thức marketing hiệu quả, ít tốn kém nhất. Thay vì “đốt” tiền vào quảng cáo, hãy dùng số tiền đó nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ và chăm sóc khách hàng cũ thật tốt. Họ là những khách hàng đã trải nghiệm sản phẩm của nhà hàng, do vậy, giữ chân và tăng doanh thu nhờ khách hàng cũ luôn dễ dàng hơn so với tìm kiếm khách hàng mới, đặc biệt ở thời điểm khách hàng có xu hướng thắt chặt chi tiêu hơn sau dịch. 

Theo nghiên cứu thì chi phí giữ chân một khách hàng cũ chỉ bằng khoảng 1/6 chi phí để có được một khách hàng mới ở mô hình F&B. Vậy đâu là công cụ hữu hiệu để giữ liên lạc, tăng tương tác và truyền thông các quà tặng, ưu đãi tới khách hàng cũ hay nói cách khác là khách hàng trung thành? 

Phần mềm MISA Lomas – giải pháp thu hút – giữ chân – nuôi dưỡng khách hàng

>> MISA Lomas là giải pháp quản lý và chăm sóc khách hàng tự động, giúp nhà hàng thu hút – nuôi dưỡng – giữ chân khách hàng.

6.3 Xây dựng chương trình ưu đãi kích cầu chi tiêu

Không thể phủ nhận sức khỏe tài chính của các doanh nghiệp F&B “yếu” đi đáng kể do ảnh hưởng của đại dịch, tuy nhiên hãy hướng đến bài toán cơ hội lớn hơn: “thả con săn sắt bắt con cá rô”. Hãy tính toán cẩn thận và triển khai các chương trình ưu đãi, giảm giá, tặng quà, phát hành voucher… nhằm kích cầu chi tiêu khách hàng. Chắc chắn nhờ đó hình ảnh khách hàng tấp nập tới quán của bạn sẽ sớm quay trở lại, doanh thu nhà hàng sẽ phục hồi đầy ấn tượng.

VII. Nâng cao trải nghiệm dùng bữa của khách hàng

7.1 Triển khai đầy đủ biện pháp phòng dịch tại nhà hàng

Điều các nhà hàng cần làm đầu tiên đối với khách hàng khi đến quán là truyền thông và yêu cầu khách hàng thực hiện quy định phòng dịch, đảm bảo an toàn cho những trải nghiệm dùng bữa của khách tại quán. Nhân viên phục vụ tư vấn nhẹ nhàng, khéo léo với khách hàng để họ thực hiện một cách sẵn lòng và vui vẻ. Việc nhà hàng tuân thủ quy định thể hiện sự tôn trọng đối với sức khỏe, trải nghiệm an toàn của thực khách tại quán.

7.2 Đảm bảo vệ sinh nhà hàng

Ngoài việc tuân thủ các quy định phòng dịch, công tác giữ gìn vệ sinh nhà hàng luôn phải đảm bảo ở mức cao nhất, tránh gây mất mỹ quan tạo cảm giác không an tâm cho khách hàng và hạn chế lây lan dịch bệnh.  

Hai lưu ý trên tuy tương đối đơn giản, điều quan trọng là các nhà hàng cần làm tốt và duy trì thường xuyên, liên tục. Kết hợp với những giá trị cốt lõi vốn có của mỗi nhà hàng về chất lượng sản phẩm, dịch vụ…, chắc chắn giúp nâng cao trải nghiệm dùng bữa của khách hàng, từ đó giúp nhà hàng nhanh chóng phục hồi và tăng trưởng giai đoạn “hậu Covid”. 

Giữ vệ sinh nhà hàng để tăng trải nghiệm dùng bữa cho thực khách

Tổng kết:

Đảm bảo sức khỏe tài chính và hoạt động kinh doanh; thực hiện chuyển đổi số và các giải pháp tối ưu; đưa ra những định hướng chiến lược phù hợp là những nội dung chính bài viết trên đây chia sẻ cho các chủ nhà hàng, quán ăn, quán cafe nhằm giúp kinh doanh vững vàng trong trạng thái “bình thường mới”, đặc biệt là giai đoạn mở cửa trở lại sau mùa Covid. Hy vọng bài viết là nguồn tài liệu giá trị và hữu ích cho các doanh nghiệp F&B Việt Nam tham khảo và áp dụng. MISA CukCuk chúc bạn thành công!

MISA CukCuk đồng hành cùng chủ quán ngày mở cửa trở lại! 

Chia sẻ bài viết hữu ích này
Tin liên quan
Cách đăng ký GrabFood cho hàng quán (Cập nhật mới…
21/12/2023
5 bí quyết kinh doanh chuỗi nhà hàng đa chi…
04/08/2023
4 cách quản lý nhà hàng nhiều chi nhánh chuyên…
24/07/2023
Đến thời mở chuỗi của thương hiệu F&B Việt danh…
12/04/2023
Kinh nghiệm kinh doanh chuỗi bánh mì thành công năm…
05/03/2024