Vào dịp cuối năm, các gia đình Việt lại tất bật sửa soạn lễ cúng để đưa tiễn ông Công ông Táo lên chầu trời. Vậy tết ông Công ông Táo 2024 là ngày bao nhiêu dương lịch? Cần phải chuẩn bị lễ cúng như thế nào? Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn anh chị chủ quán cúng ông Công ông Táo 2024 đầy đủ nhất
I. Tại sao cần cúng ông Công ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp hàng năm?
Cúng ông Công ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp hàng năm là một truyền thống tâm linh phổ biến trong văn hóa dân gian Việt Nam. Người ta tin rằng vào ngày này, ông Công ông Táo sẽ trở về Thiên đình để báo cáo tình hình gia đình và mang theo những điều tốt lành đến từ Thiên đình. Việc cúng ông Công ông Táo được coi là cách để tôn kính và cầu mong sự bảo hộ, may mắn và an lành cho gia đình trong năm mới.
Theo truyền thống dân gian, thời gian cúng Táo Quân có thể bắt đầu từ ngày 21 âm lịch và kết thúc trước khi hết giờ Ngọ (từ 11 giờ đến 13 giờ) ngày 23 tháng Chạp hằng năm vì đây là thời điểm các thần tập trung để chuẩn bị về Trời.
II. Cúng ông Công ông Táo 2024 vào ngày nào?
Theo lịch vạn niên 2024, Tết ông Công ông Táo 23 tháng Chạp âm lịch rơi vào thứ 6, ngày 2/2/2024 dương lịch. Đây là ngày cuối tuần nên các gia đình có thể chuẩn bị chu đáo, tươm tất và tiến hành nghi thức cúng ông Công ông Táo vào đúng ngày 23 tháng Chạp. Trường hợp gia chủ có việc bận vào ngày này thì có thể cúng Táo quân trước ngày 23 tháng Chạp.
III. Hướng dẫn cúng ông Công ông Táo đầy đủ nhất
3.1. Lễ vật cúng
Lễ vật cúng Táo quân chủ yếu phụ thuộc vào điều kiện của từng gia đình. Trong đó phải có những lễ vật sau:
- 3 bộ mũ áo và hài: Hai mũ đàn ông và một mũ đàn bà. Mũ dành cho các ông Táo thì có hai cánh chuồn, mũ Táo bà thì không có cánh chuồn. Nhiều người chỉ cúng một cỗ mũ ông Công (có hai cánh chuồn) để tượng trưng.
- 1 hoặc 3 con cá chép (cá sống hoặc bằng giấy mã): Tượng trưng cho phương tiện di chuyển của ông Công, ông Táo. Bạn có thể sử dụng cá chép giấy hoặc cá chép thật đều được. Thường ở miền Bắc người ta còn cúng một con cá chép sống thả trong chậu nước ngụ ý “cá chép hóa rồng” nhưng tại Nam Bộ thường dùng cá chép giấy nhiều hơn.
Một số vùng miền khác nhau còn chuẩn bị các lễ vật khác nhau. Ví dụ như có thêm đĩa bánh kẹo ngọt (bánh mật, kẹo mạch nha, kẹo lạc, kẹo vừng, kẹo kéo…) để Táo quân “ngọt giọng” tấu báo Ngọc Hoàng những điều tốt đẹp về gia đình.
3.2. Mâm lễ cúng
Ngoài các lễ vật chính kể trên, các gia đình thường làm mâm lễ cúng mặn hoặc mâm cúng chay để tiễn Táo Quân. Mâm cúng chay bao gồm:
- 1 đĩa gạo
- 1 đĩa muối
- 3 chén rượu
- 3 chén chè như chè hoa cau hoặc chè trôi nước, chè kho
- Trái cây tươi, trà, rượu, cau trầu…
- Lọ hoa cúc vàng tươi
Với các gia đình muốn cúng mặn, mâm cúng Táo quân truyền thống gồm có:
- Gà trống luộc chéo cánh ngậm hoa tỉa ớt hoặc hoa hồng (có thể thay bằng thịt heo luộc hoặc vịt quay)
- Xôi gấc (có thể thay bằng xôi lá cẩm, xôi đậu, xôi lá nếp)
- Giò lợn luộc
- Bánh chưng
- Canh chân giò nấu măng (hoặc canh mọc)
- Rau xào thập cẩm
- Chả rán, thịt đông
Ngày nay, mâm cỗ cúng ông Táo được đơn giản khá nhiều, không bắt buộc phải đầy đủ tất cả các món như mâm cỗ truyền thống, tùy thuộc vào hoàn cảnh gia đình và văn hóa vùng miền.
3.3. Thứ tự cúng
- Chuẩn bị mâm cỗ, lễ cúng ông Công ông Táo. Lưu ý, mâm cúng cần đặt trang trọng ở vị trí bàn thờ gia tiên hoặc bàn thờ ông Táo để bày tỏ lòng thành kính.
- Thắp nhang, đọc bài khấn tiễn ông Công ông Táo về trời.
- Sau khi bày lễ, thắp hương và đọc văn khấn xong, đợi hương tàn lại thắp thêm 1 tuần hương nữa.
- Lễ tạ rồi hóa vàng mã và thả cá chép ra ao, hồ, sông, suối…
3.4. Giờ đẹp cúng ông Công ông Táo 2024
Theo các chuyên gia phong thủy, lễ cúng ông Táo cần được thực hiện trước khi ông Táo bay về trời tấu báo Ngọc Hoàng, tức là trước 12h trưa ngày 23 tháng Chạp. Tham khảo các khung giờ tốt:
- Mậu Tý (23h-1h): Thanh Long;
- Kỷ Sửu (1h-3h): Minh Đường;
- Nhâm Thìn (7h-9h): Kim Quỹ;
- Quý Tị (9h-11h): Bảo Quang
IV. Văn khấn Nôm lễ Táo quân hàng năm (tham khảo)
Bài văn khấn số 1
Kính lạy Thượng Đế Kính lạy Ngũ Đế, Đông phương Thanh Đế, Nam phương Xích Đế, Tây phương Bạch Đế, Bắc phương Hắc Đế, Trung ương Hoàng Đế. Kính lạy thượng đàm thần tướng thiên thiên tướng Kính lạy sơn thần, long thần, thổ địa, thổ công táo quân, thổ kỳ lai sàng chứng giám Hôm nay là ngày 23 tháng chạp năm…. là ngày thần Táo Quân về trời tấu sớ Tín chủ con tên là… sinh ngày… tháng… năm… nguyên quán… địa chỉ thường trú… Với tấm lòng thành kính con xin có chút lễ vật, nhang đăng thỉnh cầu kính mời Thượng Đế, Ngũ Đế, các vị Thần Tướng, Thiên Tướng, Thiên Binh, Thiên Mã, cùng chư vị thần tiên trên trời dưới đất, chứng giám cho con được làm lễ tiễn thần Thổ Công Táo Quân về trời. Kính lạy Thổ thần thổ địa, thổ công táo quân, thổ kỳ lai sàng chứng giám. Trong năm qua nhờ ân phúc của các ngài chúng con được mạnh khoẻ, hạnh phúc, mọi điều may mắn. Nay con làm lễ với tấm lòng thành kính tiễn ngài về trời tấu xin Thượng Đế, Ngũ Đế, cùng chư vị thần tiên phù hộ độ trì cho đất nước con, quê hương con, gia tộc và gia đình con được mạnh khoẻ hạnh phúc, an khang thịnh vượng. Con cầu xin Thượng Đế, Ngũ Đế các vị thần tiên cùng chư ngài chứng giám cho tấm lòng thành kính của con. Kính chúc Thượng Đế, Ngũ Đế, các vị thần tiên cùng chư ngài thiên thiên tuế! (Con xin đa tạ, Con xin đa tạ, con xin đa tạ) Sau khi cúng xong thì lại kính lễ 9 lần. |
Bài văn khấn số 2
Nam mô a di đà Phật! Nam mô a di đà Phật! Nam mô a di đà Phật! Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương. Con kính lạy Ngài đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân. Tín chủ (chúng) con là: …………… Ngụ tại:………… Hôm nay, ngày 23 tháng chạp tín chủ chúng con thành tâm sắp sửa hương hoa phẩm luật, xiêm hài áo mũ, kính dâng tôn thần. Thắp nén tâm hương tín chủ con thành tâm kính bái. Chúng con kính mời ngài Đông trù tư mệnh Táo phủ Thần quân hiển linh trước án hưởng thụ lễ vật. Cúi xin Tôn thần gia ân xá tội cho mọi lỗi lầm trong năm qua gia chủ chúng con sai phạm. Xin Tôn thần ban phước lộc, phù hộ toàn gia chúng con, trai gái, già trẻ sức khỏe dồi dào, an khang thịnh vượng, vạn sự tốt lành. Chúng con lễ bạn tâm thành, kính lễ cầu xin, mong Tôn thần phù hộ độ trì. Nam mô a di đà Phật Nam mô a di đà Phật! Nam mô a di đà Phật! |
Bài văn khấn số 3
Hôm nay, ngày 23 tháng Chạp năm…. Tín chủ con là… Người thôn… xã…. huyện…. tỉnh… Cùng toàn thể gia đình kính bái. Trước linh tọa của Đông trù tư mệnh Táo phủ thần quân. Kính cẩn thưa rằng: Nay cuối mùa đông/ Tứ quý theo vòng/ Hăm ba tháng Chạp Sửa lễ kính dâng/ Hoa quả đèn hương/ Xiêm lai áo mũ Phỏng theo lễ cũ/ Ngài là vị chủ/ Ngũ tự gia thần Soi xét lòng trần/ Táo quân chứng giám/ Trong năm sai phạm/ Các tội lỗi lầm/ Cúi xin tôn thần Gia ân châm chước/ Ban lộc ban phúc/ Phù hộ toàn gia Trai gái trẻ già/ An ninh khang thái Cẩn cáo |
V. Những lưu ý khi làm lễ cúng ông Công ông Táo
- Chuẩn bị đầy đủ các vật phẩm cúng. Lưu ý không đốt tiền âm phủ.
- Khi cúng ông Công ông Táo, chỉ nên cầu xin Táo quân bẩm báo điều tốt cho gia đình, tránh các điều không hay, không nên cầu xin phú quý hay no đủ.
- Chỉ thả cá không thả cả túi nilon, thả nhẹ nhàng từ từ. Không thả cá chép từ trên cao xuống.
- Không nên cầu xin tài lộc, sung túc mà chỉ nên xin Táo báo những việc tốt đẹp trong năm.
- Không cúng sau 12 giờ ngày 23
- Không đặt mâm lễ cúng ở dưới bếp
Tạm kết
Hy vọng qua bài viết, anh chị chủ quán nắm được mâm cúng ông Công ông Táo có những gì để chuẩn bị tươm tất vào ngày 23 tháng Chạp năm nay. Chúc anh chị kinh doanh hồng phát!